Vải khô Thanh Hà: Quà quý ngày Tết - HAIDUONG.CITY

Vải khô Thanh Hà: Quà quý ngày Tết

vải khô thanh hà hải dương

Không chỉ có vải thiều tươi, người dân Thanh Hà, Hải Dương còn mang đến cho thực khách gần xa món vải sấy thơm ngon, hấp dẫn. Nhiều người con xa quê coi loại vải này là thức quà quý vào ngày Tết.

vải khô thanh hà hải dương

Vải thiều sấy khô Thanh Hà trưng bày tại nhiều hội chợ (ảnh do cơ sở cung cấp)

Hương vị ngọt ngào

Đối với nhiều gia đình, vải thiều sấy khô không thể thiếu trong những ngày Tết. Năm nay, chị Ngọc Hà (ở TP Hải Dương) đã đặt mua 50 kg vải khô của gia đình bà Đỗ Thị Nhị (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, Thanh Hà) để ăn và làm quà biếu dịp Tết. Nhiều năm nay, chị Hà mua vải rồi nhờ bà Nhị đóng gói cẩn thận, định lượng mỗi túi 1 cân để mang đi biếu cho tiện. Chị Hà cho biết: “Năm đầu tiên tôi biếu khách hàng vải sấy khô dịp Tết, nhiều người rất bất ngờ. Nhìn bề ngoài không đẹp lắm nhưng sau đó lại thích vì ăn ngọt, thơm, hơn hẳn mứt bí, mứt dừa…”. Từ đó, chị Hà thường xuyên đặt mua vải thiều khô ở Thanh Hà để làm quà biếu dịp Tết. 

Năm nay, ông Đào Văn Tám (ở Hải Phòng) cũng đặt mua 20 kg vải thiều khô về ăn Tết. Ông Tám quê ở Thanh Hà nhưng lập nghiệp ở Hải Phòng. Mùa vải thiều tươi, ông về tận quê mua vải làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp chứ không muốn mua ở ngoài chợ vì sợ lẫn vải thiều nơi khác. Còn đến Tết, ông Tám đặt mua vải thiều sấy do chính bạn thân ông ở quê làm. Không chỉ là món quà quen thuộc của quê hương, gia đình ông còn coi vải thiều sấy là một món ăn không thể thiếu vào dịp Tết.

Vải sấy khô ở Thanh Hà đang được bán từ 80.000-100.000 đồng/kg. Vải khi sấy vỏ có màu nâu, cùi từ trắng lại chuyển thành nâu đậm, vị ngọt sắc, dẻo. Vải sấy khô ngoài ăn trực tiếp còn được nhiều người dùng ngâm rượu, nấu chè, làm nước uống thanh nhiệt, giải độc…

Kỳ công

Vải sấy khô thanh hà hải dương có màu nâu sậm, dẻo, vị ngọt sắc

Vải sấy khô có màu nâu sậm, dẻo, vị ngọt sắc

Vải sấy được người dân Thanh Hà ví như “của để dành”. Trước kia diện tích trồng vải thiều ở Thanh Hà nhiều hơn hiện nay. Vải tươi bán cùng lúc không hết, mùa thu hoạch vải vào tháng 6 nắng nóng nhất trong năm nên nhiều nhà đã mang vải phơi nắng. Phơi vải chừng nửa tháng, cùi vải sẽ quắt lại, để được lâu. Sau này, nhiều người trồng vải ở đây đã đầu tư lò sấy vải với số lượng lớn hơn để bán rộng rãi ra thị trường.

Đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dụng (ở xóm 1, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn) vẫn giữ được nghề sấy vải sau nhiều năm thăng trầm. Từ đời bố mẹ ông đã sấy vải, đến ông làm nghề được hơn 50 năm. Trước đây các con ông chưa lập gia đình, mỗi năm nhà ông Dụng sấy khoảng 4 tấn vải khô để bán sau mùa vải thiều tươi và dịp Tết, nhưng nay tuổi cao, các con dựng vợ gả chồng xa nên ông bà chỉ sấy từ 1,5-2 tấn vải.

Người dân ở Thanh Hà sấy vải thủ công với nhiều công đoạn cầu kỳ, nặng nhọc. Vải sấy phải tươi, ngon, không sâu đầu. Sau khi thu hoạch vải được cắt cuống gọn gàng rồi đưa lên giàn, dùng lò than sấy. Lò sấy xây bằng gạch với các cửa lò để tiếp than. Trên mặt lò, cách cửa đốt than chừng 1 m là sạp nứa. Vải tươi được xếp nguyên cả quả lên trên mặt sạp để sấy bằng hơi than. Mỗi ngày đảo vải từ 2-3 lần, chừng 3-4 ngày sẽ được một mẻ vải sấy. Thường thì sấy khoảng chục tấn vải tươi sẽ được 1 tấn vải khô. “Nhiều người làm rất ẩu, hay chọn những quả vải nứt để sấy nhưng nhà tôi thì không. Mình làm ẩu sẽ không bán được hàng, người tiêu dùng cũng rất tinh tế. Gia đình tôi chỉ mong sao chất lượng vải tươi hay vải khô đều được nâng cao”, ông Dụng chia sẻ.

Gia đình ông Đỗ Văn Hợi (ở xã Thanh Xá) vừa bán hết lô vải sấy cuối cùng phục vụ dịp Tết. Vốn có tiếng trong nghề nên vải sấy của gia đình ông Hợi không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang Trung Quốc nhiều năm nay. Ông Hợi cho biết vải phục vụ Tết bán đến rằm tháng chạp là hết. Vải sấy xong phải bảo quản kỹ, tuyệt đối không dùng chất bảo quản. Người dân thường bọc vải sấy với nhiều lớp nilon, để trên cao tránh ẩm ướt. Chỉ cần bị nước ngấm vào vài quả sẽ hỏng cả bao vải.

Huyện Thanh Hà có gần 100 giàn sấy vải lớn, nhỏ. Có những hộ tự làm nhãn mác cho sản phẩm của mình. Vải thiều sấy khô tuy được nhiều khách xa gần biết đến nhưng vẫn là bán lẻ và phụ thuộc vào uy tín của từng nhà. Để vải thiều sấy khô Thanh Hà có thương hiệu và phát triển hơn nữa, huyện Thanh Hà cần quan tâm phát triển mô hình sấy vải của người dân, phối hợp xây dựng thương hiệu vải thiều Thanh Hà sấy khô, qua đó nâng cao giá trị đặc sản này.

Nguồn: https://baohaiduong.vn/am-thuc/vai-kho—thuc-qua-quy-ngay-tet-224567

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *